Về dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Hội người mù Việt Nam, các đại biểu đại diện Hội người mù các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Long An, Bình Dương, Nam Định; lãnh đạo cơ quan Trung ương Hội LHPN Việt Nam, đại diện Hội LHPN một số tỉnh, thành; đại biểu đại diện các bộ, ngành, Học viện Phụ nữ Việt Nam và phóng viên báo chí các đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình Hà Nội.
Tại hội nghị, đồng chí Cao văn Thành, Chủ tịch Hôi người mù Việt Nam phát biểu khai mạc đã khẳng định phụ nữ khuyết tật nói chung, phụ nữ mù nói riêng là đối tượng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và thường thiệt thòi hơn so với nam giới khuyết tật do đặc điểm về thể chất, tâm lý và đặc biệt là do định kiến giới và sự kỳ thị, phân biệt đối xử trong gia đình và ngoài xã hội.
Bà Đinh Việt Anh, Trưởng Ban phụ nữ và trẻ em, Hội Người mù Việt Nam đã trình bày Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện chương trình phối hợp hoạt động, giúp đỡ phụ nữ giữa Hội LHPN Việt Nam với Hội người mù Việt Nam. Bản báo cáo đã đánh giá khá chi tiết công tác chỉ đạo của TW Hội LHPN Việt Nam, Hội người mù Việt Nam đối với các cấp Hội LHPN và Hội người mù các tỉnh, thành trong việc triển khai các hoạt động phối hợp. Sự chủ động, tích cực trong các hoạt động chỉ đạo như: tham mưu, lập kế hoạch, ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo…của các cấp Hội LHPN và Hội người mù đã được thể hiện bằng các kết quả đạt được trong công tác tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về Người khuyết tật; Các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hội viên về Luật pháp, chính sách có liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới; Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khuyết tật học nghề, vay vốn, tạo việc làm; chăm sóc sức khỏe và sức khỏe sinh sản; xây dựng gia đình hạnh phúc….Đặc biệt, nhấn mạnh hoạt động phối hợp giữa Trung tâm Đào tạo – Phục hồi chức năng người mù với Khoa Công tác xã hội, Học viện Phụ nữ Việt Nam trong công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ nữ của Hội người khuyết tật. Trong 10 năm qua, Hội Người mù Việt Nam đã tổ chức các khóa đào tạo cho gần 1000 cán bộ các cấp Hội Người mù; tập huấn cho 102 cán bộ nữ là người người khiếm thị về các nội dung: chăm sóc sức khỏe và sức khỏe sinh sản; giáo dục kỹ năng sống. kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng quản lý thời gian, quản lý công việc; hướng dẫn kỹ năng tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ…Trong các khóa tập huấn, Học viện phụ nữ Việt Nam không chỉ phân công giảng viên Khoa Công tác xã hội tham gia tập huấn cho các lớp học mà còn xây dựng và cung cấp nhiều tài liệu phục vụ cho các khóa tập huấn khác của trung tâm; đồng thời, cán bộ Ban phụ nữ và trẻ em của Trung tâm cũng rất tích cực tham gia các khóa huấn luyện, các hội nghị, hội thảo về các chủ đề liên quan đến người khuyết tật do Học viện phụ nữ Việt Nam tổ chức.
Cũng tại hội nghị, nhiều đại biểu từ các tỉnh, thành đã trình bày các tham luận bổ sung cho Báo cáo chung. Các đại biểu đến từ Hội người mù quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội; từ thành phố Hải Phòng; tỉnh Nam Định, tỉnh Bình Dương, tỉnh Long An… cũng đánh giá rất cao sự chủ động của các cấp hội LHPN địa phương và sự nỗ lực của các cấp Hội Người mù. Các báo cáo tham luận khẳng định rằng, kết quả các hoạt động: tuyên truyền luật pháp, chính sách; dạy nghề, giới thiệu việc làm; kết nối với các cơ sở Y tế, Trung tâm dạy nghề; Ngân hàng chính sách xã hội… để hỗ trợ phụ nữ chăm sóc sức khỏe, học nghề, tìm việc làm, vay vốn sản xuất kinh doanh…không chỉ giúp phụ nữ mù phát huy nội lực, khắc phục những khó khăn do khuyết tật mang lại; vươn lên trong cuộc sống; tự khẳng định bản thân; xây dựng gia đình hạnh phúc mà còn góp phần khẳng định vai trò của tổ chức Hội LHPN trong công tác xã hội với phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Những kết quả mà các cấp Hội người mù đạt được trong 10 năm phối hợp với các cấp Hội LHPN cũng góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước ta đối với nhóm phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt này.
Đại diện các tổ chức, cá nhân tặng quà hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Gia đình – Xã hội, Hội LHPN Việt Nam đã biểu dương sự nỗ lực của các cấp Hội LHPN địa phương và ghi nhận sự chủ động, tích cực của các cấp Hội Người mù. Bà Tuyết Mai cũng nêu phương hướng phối hợp hoạt động trong thời gian tiếp theo, đó là:
– Tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành hội thực hiện các hoạt động nhằm đẩy mạnh chương trình phối hợp;
– Chú trọng xây dựng các mô hình nhóm phụ nữ tự lực, hỗ trợ dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm…cho phụ nữ khuyết tật nói chung, phụ nữ mù nói riêng; tạo điều kiện để phụ nữ mù được sinh hoạt tại các cấp Hội phụ nữ ở địa phương; tham gia các câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật, các nhóm phụ nữ tự lực; các diễn đàn của hội phụ nữ để chị em xóa bỏ tự ty, mặc cảm, vươn lên hòa nhập cuộc sống cộng đồng.
– Tăng cường phối hợp với hội người mù để tạo điều kiện cho cán bộ Ban phụ nữ và trẻ em Hội người mù ở các cấp Hội được đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn để nắm bắt kịp thời, đầy đủ, chính xác các chủ trương công tác, các phong trào thi đua và các cuộc vận động do Hội LHPN Việt Nam triển khai, phát động;
Hội LHPN phối hợp với Hội người mù nắm bắt tình hình thực tế, điều kiện, hoàn cảnh của hội viên phụ nữ mù để quan tâm chăm sóc và khai thác các nguồn vốn vay để hỗ trợ phụ nữ mù có khoàn cảnh khó khăn được vay vốn sản xuất, kinh doanh, từng bước giảm bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình phối hợp giữa Hội LHPN Việt Nam và Hội Người mù Việt Nam thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, các tổ chức đoàn thể xã hội, cộng đồng đối với Người khuyết tật nói chung, với Người mù nói riêng. Đây cũng là một diễn đàn để cá nhân, tổ chức trong cộng đồng xã hội thể hiện tình cảm, lòng nhân ái, sự quan tâm đến những người có hoàn cảnh khó khăn đang cần sự giúp đỡ của cộng đồng.