TS. Bùi Thị Mai Đông,Trưởng khoa Công tác xã hội và các cán bộ, giảng viên Khoa Công tác xã hội Học viện Phụ nữ Việt Nam đã có mặt để tham dự hội thảo cùng 300 đại biểu là các nhà nghiên cứu và giảng dạy công tác xã hội từ các viện nghiên cứu và các trường đại học trong và ngoài nước, các trung tâm đào tạo, Sở LĐ-TB&XH, các cơ sở bảo trợ xã hội, đại diện một số tỉnh, thành đoàn và các tổ chức quốc tế.
Tại hội thảo, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) thạc sĩ Nguyễn Văn Hồi cho biết: “Hiện nay, số người cần trợ giúp của các dịch vụ công tác xã hội rất lớn gồm: gần 9 triệu người cao tuổi, 6,7 người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khoảng 9,6% số hộ gia đình nghèo, và hàng trăm nghìn đối tượng nhiễm HIV… Để trợ giúp cho các đối tượng, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thiết thực, đồng thời hỗ trợ về nhà ở, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm… Tuy vậy, trên thực tế, người dân và các đối tượng trợ giúp xã hội, đối tượng dễ bị tổn thương vẫn chưa được trợ giúp một cách toàn diện. Hiện vẫn chưa có sự phối hợp liên ngành trong trợ giúp cho từng trường hợp cụ thể. Nhiều trường hợp chưa được phát hiện, can thiệp sớm để trợ giúp, chăm sóc, phục hồi cho đối tượng theo hướng dựa vào cộng đồng”.
Hội thảo được chia thành 3 phiên với các nội dung liên quan tới nghề Công tác xã hội (CTXH), như: Rà soát và xây dựng khung pháp lý về nghề công tác xã hội phù hợp với bối cảnh Việt Nam; Xây dựng và phát triển dịch vụ công tác xã hội cho thanh niên, đào tạo công tác xã hội theo hướng thực hành và khung pháp lý về nghề công tác xã hội.
Tại các phiên hội thảo, đại biểu tham gia đã tập trung vào những nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành mang tính ứng dụng theo hướng: (1)Xây dựng và phát triển dịch vụ Công tác xã hội cho thanh thiếu nhi (Hệ thống chính sách về an sinh xã hội cho nhóm thanh thiếu nhi yếu thế; Tổ chức Đoàn Thanh niên với việc phát triển các dịch vụ CTXH cho thanh thiếu nhi; Các hoạt động trợ giúp thanh thiếu nhi trong học tập, lao động và hoạt động xã hội; Thanh niên với các hoạt động xã hội; Hoạt động tình nguyện của Đoàn Thanh niên với thực hành CTXH…) (2)Đào tạo công tác xã hội gắn với thực hành (Thực trạng đào tạo công tác xã hội ở Việt Nam và thế giới hiện nay; Rà soát và đổi mới khung chương trình đào tạo Công tác xã hội; Các hình thức đào tạo Công tác xã hội ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp;Phương thức đào tạo công tác xã hội theo hướng thực hành; Vấn đề thực hành, thực tập trong đào tạo công tác xã hội; Vấn đề tập huấn kỹ năng cho cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn; các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội…) (3)Khung pháp lý liên quan đến nghề công tác xã hội (Hành lang pháp lý công tác xã hội tại các nước đang phát triển; Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác xã hội; Cơ chế quản lý NVXH hành nghề sau đào tạo; Hệ thống chính sách về an sinh xã hội cho nhóm yếu thế và hệ thống giải pháp; Hoàn thiện dự thảo luật phòng, chống bạo lực gia đình; Hoàn thiện dự thảo luật liên quan đến bảo vệ và chăm sóc trẻ em;…).
Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp đem lại cơ hội chia sẻ hữu ích đối với Học viện Phụ nữ Việt Nam nói riêng và mạng lưới làm nghề và đào tạo nghề CTXH trên toàn thế giới. Ngoài việc tiếp nhận những kinh nghiệm của bạn bè năm châu, các đại biểu của Học viện phụ nữ Việt Nam cũng tham gia đặt các câu hỏi trao đổi nhằm thể hiện sự tâm huyết, tinh thần khoa học, chia sẻ, hợp tác và chung tay góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành Công tác xã hội Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp hoá.